Câu trả lời dưới đây liên quan đến các NGOs nước ngoài, hay còn được gọi là NGO quốc tế (INGOs).
Về bản chất, INGOs là các tổ chức thuộc nhóm phi lợi nhuận hay “value-seeking”, khác với các doanh nghiệp phải hướng tới lợi nhuận hay “profit-seeking”. Những giá trị mà các INGOs hướng tới thường là các vấn đề xã hội, như Quyền sinh kế, Quyền với các nhu cầu cơ bản (như được chăm sóc y tế, giáo dục), Cơ hội bình đẳng, Bình đẳng giới, Quyền được bảo vệ trước thiên tai và thảm họa, Đa dạng sinh học (bao gồm bảo vệ thiên nhiên, môi trường) v.v Nếu xem Danh tập của các tổ chức PCP hoạt động tại Việt Nam thì danh sách các lĩnh vực rất dài.
Ngân sách hoạt động của các INGOs có nguồn từ vận động tài trợ từ các cá nhân và tổ chức cũng như từ các chính phủ, gọi chung là Nhà tài trợ (donor). Ở các nước phát triển, chính phủ có cam kết chi một phần nhất định của ngân sách cho phát triển và đều có các Bộ hay cơ quan chuyên trách về phát triển, như DfID (Anh), USAID (Mỹ), AusAID (Australia), DANIDA (Đan Mạch), CIDA (Thụy Điển) v.v.. Các INGOs có thể vận động tài trợ từ khoản ngân sách này cho các dự án, chương trình cụ thể.
Các INGOs thực hiện các dự án thông qua các đối tác tại Việt Nam, là các cơ quan chính phủ, chính quyền các cấp hoặc các tổ chức đoàn thể, xã hội và “tổ chức phi chính phủ địa phương” (local NGOs).
Hoạt động của các INGOs tại Việt Nam được điều phối bởi PACCOM (Ban Điều phối viện trợ nhân dân), thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO).
Các bạn quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của INGOs có thể tham khảo website của Trung tâm dữ liệu các tổ chức phi chính phủ (VUFO-NGO Resource Centre): http://www.ngocentre.org.vn
Các INGOs có chế độ đãi ngộ với nhân viên khá tân tiến, vì thường theo chính sách nhân sự của tổ chức (HQs), hoạt động trên phạm vi toàn cầu hoặc khu vực.
DTK, 28/8/2010