Bộ luật Lao động (sửa đổi), hay còn được gọi là Bộ luật Lao động 2012, đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Sẽ có một số Nghị định được ban hành để hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, tiếp đó là các thông tư và các văn bản dưới luật khác. Trong ngày đầu tháng 5/2013, các phương tiện truyền thông đã đưa nhiều tin về việc Bộ luật Lao động 2012 bắt đầu có hiệu lực và nhắc nhiều đến vấn đề lương tối thiểu.
Theo Điều 91 của Bộ luật Lao động 2012 về “Mức lương tối thiểu” thì: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Tuy nhiên, để mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, cần có một lộ trình. Lý do đơn giản nhất là năng suất lao động bình quân của xã hội còn thấp.
Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2012 về việc quy định mức lương tối thiểu chung (Link tới file PDF) thì mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2012 là 1.050.000 đồng/tháng. Theo phương án trình bày của Bộ Tài Chính tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, khoảng 8 triệu cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công của cả nước sẽ được tăng tiền lương tối thiểu chung với mức 100.000 đồng/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ 1-7-2013 (Link). Từ góc độ kỹ thuật, từ 1/7/2013 mức lương tối thiểu chung sẽ được gọi là “lương cơ bản” (do Bộ luật Lao động 2012 không dùng khái niệm “lương tối thiểu chung” nữa).
Đối với doanh nghiệp không thuộc khối nhà nước, bao gồm doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nước ngoài (FDI), có sự đòi hỏi cao hơn về việc tiền lương phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình (ít nhất là 1 người phụ thuộc) đặc biệt là với khối lao động đã qua đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Lý do là khối doanh nghiệp này phải chịu sự cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường lao động và chính người lao động cũng có nhiều sự chọn lựa công việc, phát triển nghề nghiệp hơn.
Vậy nhu cầu sống tối thiểu (hay mức sống tối thiểu) ở mỗi vùng, mỗi địa phương được xác định như thế nào? DTK Consulting đã phân tích sơ bộ vấn đề này trong bài “Về mức sống tối thiểu” (link). Phân tích loại này xuất phát từ thực tiễn quản trị nhân lực tại doanh nghiệp (hay tổ chức) và không mang tính học thuật (là việc của các ngành chức năng, như ngành Thống kê hay Tài chính).
Các thành phần chi phí cấu thành mức sống tối thiểu
Có thể phân biệt 5 nhóm chi phí chính sau (cho 1 năm hay 1 tháng).
1. Chi phí ăn uống (Food Cost)
2. Chi phí mặc (Clothing Cost)
3. Chi phí ở (Housing Cost)
4. Chi phí đi lại (Transport Cost)
5. Chi phí giáo dục (Education Cost)
Ngoài ra, cần có một khoản Tiết kiệm (Saving) khiêm tốn, phòng chi những lúc ốm đau lặt vặt không được bảo hiểm chi trả, và chi phí cho các giao tiếp xã hội ở mức tối thiểu (như phúng viếng các đám tang, thăm hỏi người thân ốm nặng...). Khoản thứ 6 này (Tiết kiệm) có thể tính bằng 5% của tổng 5 khoản trên. Tất nhiên con số tuyệt đối của 5 nhóm đầu và số phần trăm của khoản thứ 6 phụ thuộc vào quan điểm trong chính sách nhân sự của mỗi công ty, tổ chức.
Về mặt toán học, mỗi cá nhân, mỗi công ty (phòng nhân sự) có thể xây dựng “mô hình tính toán”, hay danh sách các chi phí tối thiểu của một cá nhân trong 1 năm và tính lùi về để có con số chi phí tối thiểu của 1 tháng. Từ đó cá nhân hay công ty có thể hình thành mức lương tối thiểu áp dụng cho bản thân.
Bài liên quan:
* Về mức sống tối thiểu” (link).
DTK Consulting, 01/5/2013