|
|
Hà Nội, tháng 12/07: Giám đốc DTK Consulting (đứng thứ hai từ bên phải) cùng các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Slovakia gặp lại cô giáo dạy tiếng Marta Pastorkova, sau 28 năm |
|
Trên trang web này, từ “sự nghiệp” được nhắc tới nhiều lần. Nghe thoáng qua thì có vẻ “đao to búa lớn”, song thực sự rất đời thường. Chúng ta không có ý định phân tích, đàm luận nhiều về ngôn ngữ và hy vọng sẽ quen dần với “phạm trù” này. Sau đây là một số điều chia sẻ.
Tại tổ chức nơi mà tôi đã làm việc trước đây suốt gần 10 năm, vào những năm cuối, chúng tôi hay nghe các cấp quản lý nhắc đến cụm từ Cân bằng Công việc và Cuộc sống (Work-life balance). Ý tưởng chủ đạo là mỗi chúng ta phải làm việc tốt, thật hiệu quả, nhưng đừng quên dành thời gian cho bản thân, gia đình… Ngày nay, hẳn cũng có quá nhiều cuốn sách tham khảo, đề cập đến vấn đề này.
Nói thì dễ nhưng mà làm thì khó lắm!
Tôi vẫn nhớ đến người quản lý cũ của tôi vào những năm 1996, 1997, ông Michael Etherton, người Anh. Hai vợ chồng ông làm việc tại hai tổ chức phi chính phủ khác nhau tại Hà Nội. Nhân viên chúng tôi thường gọi ông một cách trìu mến là “Bố già”, vì tuổi ông đã cao và có lẽ vì ông luôn đối xử với chúng tôi như một người cha. Phòng làm việc của ông ở phía giữa văn phòng, còn phòng làm việc của tôi và một đồng nghiệp (phụ trách kế toán và tin học) ở phía cuối văn phòng. Cứ chiều chiều, vào lúc hết giờ làm, trước khi ra về ông lại ngó vào phòng tôi và nói “Khang, go home, please!” (tạm dịch là “Khang, đi về thôi”; nói “tạm dịch” vì không thể dịch được ngữ điệu của một câu nói). Tôi, khi đó là một nhân viên mới, không có đủ can đảm (và lý do) để rời văn phòng đúng giờ! Anh bạn đồng nghiệp, có thể do đang học bằng hai sau giờ hành chính, thì “quản lý thời gian“ tốt hơn.
Tiếp đến là chị Heather Grady, người quản lý tiếp theo của tôi những năm 1997-2001. Chị là một người Mỹ. Chị có hai con nhỏ đang đi học tiểu học và nhà trẻ, nên hay về đúng giờ. Có những hôm, do có sự kiện đột xuất, chị đi đón con ở trường rồi sau đó quay lại văn phòng làm việc tiếp. Những khi như thế chị đều email hoặc nhắn cho bộ phận hành chính chúng tôi biết. Sau này tôi hiểu đó là việc áp dụng flexi-time (giờ làm việc linh hoạt).
Các “sếp” cũ của tôi, mỗi khi họ nghỉ phép hay đi công tác nước ngoài, đi công tác xa (từ vài ngày trở lên, thậm chí trong 1-2 ngày), đều uỷ quyền cho một cán bộ quản lý cấp cao (thường là Điều phối viên Chương trình hoặc Chánh văn phòng) làm Quyền Trưởng Đại diện. Như vậy, các công việc hành chính, tài chính quan trọng và khẩn cấp (như ký đơn xin thị thực cho một khách từ nước ngoài vào Việt Nam làm việc, hay chuyển tiền cho dự án, thậm chí ký văn kiện dự án…) đều không bao giờ bị đình trệ. Về bản chất, đây là vấn đề Trao quyền (delegation). Người ta nói rằng, muốn biết một người quản lý có hiệu quả hay không, hãy xem công việc ở cơ quan (hay công ty) mỗi khi người ấy vắng mặt. Chủ đề này có liên quan đến cân bằng sự nghiệp không? Có đấy! Muốn bản thân được nghỉ phép đúng với nghĩa nghỉ phép, hay công việc ở công ty trôi chảy khi mình đi công tác xa, thì phải trao quyền lại (có thể là từng phần) cho các cấp dưới (và hướng dẫn họ làm cho quen!) Những gì không uỷ quyền được trong một thời gian ngắn (như chữ ký tại Ngân hàng) thì phải đề xuất cấp trên hoặc người ngang cấp hỗ trợ.
Trên đây là một vài ví dụ liên quan và tôi phải tạm cắt dòng hồi ức để quay lại chủ đề chính.
Cách đây 5-7 năm, tôi có dịp tham gia một khoá đào tạo ngắn ngày về chủ đề Kỹ năng giám sát (Supervisory Skills), do trường Đại học Swinburn (Australia) tổ chức tại Hà Nội. Trong chương trình, có một phần nói về Cân bằng trong Sự nghiệp. Vì chủ đề này giờ đây khá “nóng bỏng”, nên tôi xin phép được trích dẫn các tiêu chí, hay chính xác hơn là các toạ độ (dimensions) của Cân bằng trong Sự nghiệp. Trong phần giải thích (Explaination), xin được phép không dịch phần tiếng Anh - bạn nào chưa rõ xin coi như “bài tập về nhà”.
|
|
|
|
1 |
Self esteem |
Lòng tự trọng |
Feeling good about yourself and your worth/value |
2 |
Body/health |
Cơ thể, Sức khoẻ |
Appearance, physical/mental health, exercise, diet, nutrition |
3 |
Home |
Nhà cửa |
Caring for and improving personal space (eg home office, car, desk, etc) |
4 |
Family |
Gia đình |
Caring for life partners, marriages, children, parents, extended family |
5 |
Social contact |
Quan hệ xã hội |
Getting along with all types of people, maintaining old friends, making new acquaintances |
6 |
Career/work |
Sự nghiệp, Công việc |
Choosing a field, feeling satisfied, contributing fully, creating balance |
7 |
Money |
Tiền bạc |
Managing personal resources (eg salary, budget, savings, investments, etc) |
8 |
Learning |
Học hành |
Acquiring and applying new knowledge and skills, abilities |
9 |
Leisure |
Nghỉ ngơi |
Diversifying interests and renewing energy through sports, hobbies, vacations, entertainment |
10 |
Environment |
Môi trường |
Caring about your surrounding (eg recycling, pollution, waste removal etc) |
11 |
Community |
Cộng đồng |
Participating, volunteering, helping others (eg homeless children, libraries, schools etc) |
12 |
Spirituality |
Tinh thần |
Exploring the meaning of life through philosophy, humour, religion, the arts, contacts with nature |
Với những “toạ độ” này (các bạn đã học sâu về Toán có thể coi Sự nghiệp như là một “Không gian 12 chiều”?), chúng ta thấy rằng Công việc chỉ là một phần của Sự nghiệp.
Do “bản năng gốc” (thích tạo các đồ thị khi phân tích, trình bày các số liệu), tôi đã lập một bảng Excel và cho mỗi tiêu chí trên một số điểm cực đại, tổng cộng là 500. Sau đó tôi tự đánh giá bản thân, đối chiếu với các “đáp án” xem mình được bao nhiêu điểm; tiếp đó là tạo đồ thị (dạng Pie – hình chiếc bánh) cho “dễ coi”. Thề rồi, con số của tôi vào tháng 6/2001 là 64%. Chín tháng sau, con số của tôi là 67% (không cải thiện là mấy!) Bạn có thể tự tạo bảng Excel và đồ thị Pie đó cho chinh mình. Thế đấy, DTK Consulting khuyến khích các cộng tác viên sử dụng tiếng Anh và Excel tốt hơn (và nhiều kỹ năng khác nữa). Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu file Xây dựng đồ thị Cân bằng sự nghiệp trong phần Văn bản tham khảo (mục Văn bản tài liệu của Công ty) để các bạn quan tâm có thể download và sử dụng.
Đạt được sự cân bằng đến mức nào, hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giới tính, tuổi, số năm kinh nghiệm, trình độ văn hoá, tình trạng hôn nhân, số người phải nuôi dưỡng, sự mong đợi về thu nhập tài chính, địa vị v.v và quan điểm cá nhân. Giữa một người “nhịn đói nằm co” và một người “ăn no vác nặng”, ai sẽ là người đạt được sự cân bằng nhiều hơn? Tôi cho rằng nếu biểu quyết, tỷ lệ sẽ là 50-50. Bạn hãy thử tiến hành bỏ phiếu kín (No, Đói) trong nhóm của mình mà xem!
Sự cân bằng trong sự nghiệp có liên quan gì đến Quản trị nhân lực? Nếu suy nghĩ thật sâu xa, chúng ta có thể thấy rằng một tổ chức nào tạo điều kiện cho nhân viên đạt đến mức cao nhất của Cân bằng sự nghiệp, tổ chức đó sẽ thành công hơn trong việc đạt các mục tiêu chiến lược. Các chi phí cơ hội khi phải tuyển dụng nhân viên thay thế là rất lớn!
Mỗi cá nhân (đã trưởng thành) đều phải tự chăm lo và chịu trách nhiệm về Cân bằng trong Sự nghiệp của bản thân và những ngưòi thân trong gia đình. Có một công việc có địa vị, hoặc thu nhập cao… thường gắn liền với sự “hy sinh” của các “toạ độ” khác, như sức khỏe, thời gian dành cho gia đình, hướng dẫn con cái, thậm chí hạnh phúc trong hôn nhân - nếu không khéo “chèo chống”. Tóm lại, mỗi cá nhân phải tuỳ theo khả năng, điều kiện của bản thân mà đặt ra các “đích” của mình sao cho SMART. (SMART là viết tắt của Specific, Measurable, Achievable, Realistic, Timebound: Cụ thể, Đo đếm được, Khả thi, Thực tiễn, Có hạn định về thời gian. Đây là một mô hình thường được áp dụng trong công tác lập kế hoạch).
Đối với mỗi cá nhân, khi đến những bước ngoặt (milestone), hay gặp những “sự cố” (crisis) trong sự nghiệp (hiểu rộng hơn so với công việc), chúng ta thường tính đến thay đổi công việc như là một giải pháp tình thế hoặc, cao hơn, như là một thay đổi chiến lược. Khi đó chúng ta cần cân nhắc thật kỹ các thành tố của Cân bằng Sự nghiệp cá nhân. Ngay bản thân Nhà tuyển dụng (các công ty và tổ chức) cũng phải cân nhắc kỹ để chọn “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”. Quản trị nhân lực thực ra không chỉ dành cho các Giám đốc nhân sự của các công ty và tổ chức; mỗi cá nhân cũng phải là một “HR Manager” của chính mình. Một công việc không phải là dễ trong thực tế; đó là lý do tại sao người ta nói “quản trị nhân lực là một khoa học và là một nghệ thuật”.
Đào Trọng Khang, Giám đốc DTK Consulting.
|