Mỗi cá nhân và tổ chức không thể tách mình ra khỏi bối cảnh chung của đất nước. Tháng 5/2008 đầy các biến động kinh tế vĩ mô, do vậy Bản tin số 6 này không thể bỏ qua các yếu tố "vĩ mô" quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến các doanh nghiệp và từng cá nhân, từ góc độ quản trị nhân lực. Hy vọng trong các Bản tin sau, chúng ta sẽ có điều kiện đi sâu hơn về chuyên môn!
Bản tin Số 6
(Tháng 5/2008)
Dành cho các Cộng tác viên là cá nhân và các Đối tác là tổ chức.
Môi trường kinh doanh chung
Công việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như hoạt động của các tổ chức luôn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, từ các góc độ Chính trị (Political), Kinh tế (Economic), Xã hội (Social) và Công nghệ (Technological). Sau đây là một số điểm đáng quan tâm trong tháng 5/08, với đầy biến động kinh tế vĩ mô.
Chính trị
Ngày 29.5.2008, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; có hiệu lực từ ngày 01.08.2008. Theo Nghị quyết này, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội; chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53 ha và dân số hiện nay là 187.255 người; chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội... Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha diện tích tự nhiên và dân số là 6.232.940 người.
Trong những năm tháng tới, việc thực hiện điều chỉnh này, mặc dù đòi hỏi khá nhiều chi phí đầu tư từ phía Nhà nước cũng như các doanh nghiệp và từng hộ gia đình và cá nhân có liên quan, sẽ đem lại những cơ hội kinh doanh mới cho một số ngành như xây dựng, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, dịch vụ văn phòng… Về mặt nguồn nhân lực lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho địa bàn Hà Nội, hy vọng rằng sau 4-5 năm nữa, tình hình sẽ khả quan hơn!
Tuy nhiên, trong giai đoạn giao thời, nhiều hoạt động kinh doanh và dự án, hiệp hội, hẳn sẽ tiếp tục dưới tên Hà Tây. Một ví dụ là hoạt động của Hội đồng Người sử dụng Lao động tại tỉnh Hà Tây, chiếm một vị trí đáng kể trên website của Văn phòng Giới sử dụng lao động (đang được xây dựng, với DTK Consulting là tư vấn từ góc độ quản trị nhân lực).
Kinh tế
Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 5 đã chứng kiến những biến cố: Thị trường chứng khoán liên tục tụt dốc; vàng và đô la có những cơn sốt; những đợt sốt gạo do đầu cơ (sát những ngày nghỉ 30/4, 1/5). Đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng của tháng 5 là cao nhất trong 5 tháng đầu năm, làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Chỉ số giá tháng 5 năm 2008 so với (%) |
Chỉ số giá 5 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 |
Tháng 5 năm 2007 |
Tháng 12 năm 2007 |
Tháng 4 năm 2008 |
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG |
125,20 |
115,96 |
103,91 |
119,09 |
I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống |
142,35 |
126,56 |
107,25 |
130,68 |
CHỈ SỐ GIÁ ĐÔ LA MỸ |
100,45 |
100,32 |
101,02 |
99,79 |
(Số liệu từ website của Tổng cục Thống kê)
Theo báo cáo của Thủ tướng trước QH ngày 31/5/2008: "Chính phủ đề nghị QH chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2008 là: “Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần, tạo cơ sở để đưa tốc độ tăng giá xuống một con số trong vài năm tới". Có thể thấy, việc đưa ra một con số lạm phát (hiệu chỉnh) cho kế hoạch năm (2008) là ngoài khả năng và không thực tiễn, nên Quốc hội cuối cùng đã không đề cập đến chỉ tiêu lạm phát cụ thể.
Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, phải thật quyết tâm mới giữ được lạm phát năm 2008 ở mức 22%. Xét đến các yếu tố giá cả quốc tế, yếu tố tâm lý người dân, việc Chính phủ có thể nới lỏng việc kiềm chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu, không loại trừ nguy cơ đầu cơ của một số thế lực, nếu tính tỷ lệ cho cả năm thì lạm phát của năm 2008 có thể đạt đến mức 38% (!)
Lạm phát cao làm sức mua thực tế của tiền lương người lao động bị giảm sút một cách đáng kể. Đặc biệt, những người lao động ở các ngạch bậc thấp của thang lương, bảng lương bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Như DTK Consulting đã đề xuất tại Bản tin trước, trong khả năng của mình, các doanh nghiệp (DN) và tổ chức nên cân nhắc việc hỗ trợ cho những người lao động có mức thu nhập thấp, cuộc sống của họ và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi “cơn bão giá”. Có thể nói rằng cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều là những “nạn nhân” của lạm phát cao; do vậy hai bên nên có sự thông cảm lẫn nhau.
Xã hội
Đình công tại một số doanh nghiệp dùng nhiều lao động vẫn là nỗi bức xúc lớn. Như đã nêu trên, lạm phát cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “miếng cơm manh áo” của người lao động thu nhập thấp, phản xạ tự nhiên của họ là “đòi” tăng lương và cải thiện các lợi ích liên quan (như chất lượng bữa ăn giữa ca - tại các cơ sở sản xuất). Để “phòng tránh” đình công (cho dù là đình công bất hợp pháp) và giảm thiểu những thiệt hại cho “con tàu chung”, lãnh đạo các doanh nghiệp nên chủ động cùng Phòng nhân sự và Công đoàn (hoặc đại diện người lao động) đối thoại, nhằm đưa ra các giải pháp, cho dù là giải pháp tình thế, tuỳ theo bối cảnh, nhằm tránh gây tổn hại cho doanh nghiệp mà trong đó người lao động là một bên liên quan và có phần lợi ích trong đó.
Một doanh nghiệp nếu bị ảnh hưởng của đình công triền miên, sẽ bị giảm sút khả năng thanh toán, thậm chí có thể phải đóng cửa và người lao động cũng sẽ mất việc làm. Ngược lại, những bất ổn định nội bộ cũng làm công việc sản xuất, kinh doanh bị đình đốn. Sự chủ động của lãnh đạo doanh nghiệp trong quản lý các quan hệ lao động là vô cùng quan trọng!
Công nghệ
Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Giữa tháng 5/08, Triển lãm quốc tế năng lượng hạt nhân đã được tổ chức tại Hà Nội. Theo kế hoạch, hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận. Từ góc độ quản trị nhân lực, Việt Nam sẽ phải có kế hoạch dài hơi nhằm đào tạo đủ số chuyên gia, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật phù hợp với lộ trình của ngành năng lượng hạt nhân. Một trong những việc cần làm ngay của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tại các tỉnh và khu vực sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân, cũng như các doanh nghiệp quan tâm, là định hướng cho học sinh PTTH về tương lai và tầm quan trọng của ngành điện hạt nhân, cơ hội phát triển sự nghiệp cá nhân trong ngành, những cơ hội và thách thức, để thu hút được nhiều sinh viên chọn học ngành máy và thiết bị năng lượng nhiệt và hạt nhân. Cũng cần có những chính sách và chương trình hỗ trợ, khuyến khích sinh viên theo học và sẵn sàng làm việc trong ngành điện hạt nhân. DTK Consulting sẽ có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực này.
Tuyển dụng và Xây dựng các hệ thống quản trị nhân lực trong DN
Dù nền kinh tế vĩ mô có những “nốt nhạc trầm” thế nào đi nữa thì sản xuất và kinh doanh vẫn phải tiếp tục. Nhiều công ty và tổ chức vẫn đang dành nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm các ứng viên phù hợp về năng lực và văn hoá tổ chức. Trong lĩnh vực này, DTK Consulting luôn cố gắng hết sức mình để xứng đáng là một đối tác hiệu quả của các tổ chức và là một người bạn sự nghiệp (career friend) của các cá nhân. Cùng các tổ chức đối tác và cộng tác viên vượt qua những thách thức là mục tiêu của DTK Consulting ■
DTK Consulting, 4/06/2008
DTK Consulting chỉ lưu trên website file Word hay PDF của 10 Bản tin gần nhất. Nếu bạn đọc có nhu cầu với các file cũ, xin liên hệ info@dtkconsulting.com.
|