Bài viết này nhằm giúp các ứng viên hiểu rõ cách tiếp cận của DTK Consulting trong tổ chức thông tin liên quan đến các cơ hội việc làm.
Trước khi chọn cấu trúc cho cơ sở dữ liệu (CSDL) các cơ hội việc làm, nhằm giúp các ứng viên tìm kiếm thông tin một cách hợp lý, chúng tôi đã tham khảo danh mục các ngành kinh tế quốc dân và nhận thấy danh mục này quá dài và không áp dụng được cho phạm vi thông tin của trang web này. Một số cơ hội nghề nghiệp rất phổ biến trong thực tiễn thì lại chưa có trong danh mục ngành kinh tế quốc dân, ví dụ Nhân sự, Marketing.
Chúng tôi cũng tham khảo một số trang web đã có tiếng tăm ở Việt Nam và nhận thấy khái niệm “ngành, nghề” bị sử dụng gộp. Theo chúng tôi, đứng từ góc độ quản trị nhân lực (human resource management - HRM), đi sâu vào lĩnh vực các cơ hội nghề nghiệp (job opportunities), cần tách riêng hai khái niệm “ngành” (industry) và “nghề” (profession). Sau khi tham khảo một số trang web của các công ty nước ngoài, chúng tôi thấy quan điểm này của mình phù hợp với thực tiễn trong ngành (tư vấn) quản trị nhân lực. Xin lưu ý là cách phân loại ở đây chủ yếu để phân biệt các tiêu chí tìm kiếm và cố gắng bắt nhịp với thực tiễn cũng như theo các quy định, hướng dẫn chung ở cấp vĩ mô về phân loại ngành, nghề.
Do vậy, trong CSDL "Các cơ hội nghề nghiệp” của chúng tôi, có 4 tiêu chí tìm kiếm (4 trường cơ bản) là Ngành, Nghề, Chức danh và Nơi làm việc (về mặt địa lý: tỉnh, khu vực). Trong phần Chi tiết, còn có thông tin về “nơi làm việc", ở đây là mô tả về Công ty hay Tổ chức (Employer) cụ thể. Tùy theo nhu cầu và mong đợi của bản thân, ứng viên có thể dùng một hay nhiều tiêu chí tìm kiếm.
Rất mong nhận được sự góp ý của các bạn về chủ đề này. Xin trân trọng cảm ơn.
|