1- Công văn đề nghị đăng ký;
2- Hệ thống thang lương, bảng lương doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung;
3- Bản quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc trong thang lương, bảng lương.
4- Ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp.
Qua kinh nghiệm của bản thân DTK Consulting cũng như qua thực tiễn tư vấn cho các Đối tác, sau đây DTK Consulting xin chia sẻ một vài điểm đáng lưu ý.
Hệ thống thang lương, bảng lương
Việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại hình doanh nghiệp, ngành nghề và đặc thù hoạt động sản xuât, kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp v.v. Các nhân viên hay cán bộ phụ trách chính đối với công việc này nên tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp cùng ngành, hoạt động trong cùng địa phưong. Để thuận lợi cho sử dụng lâu dài, doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương tính đến phạm vi sử dụng cho tối thiểu là 5 năm. Nên cân nhắc yếu tố lạm phát hàng năm khi xây dựng các bậc lương.
Phần số liệu của hệ thống thang lương, bảng lương nên được xây dựng trên Excel để tiện cho việc tính toán và chia sẻ thông tin nội bộ doanh nghiệp. Một vài tham số cần lưu ý:
- Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%;
- Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
Sau đây là Bảng tổng hợp: Lương tối thiểu (LTT) chung từ 01/5/2009 và LTT vùng từ 01/01/2009. Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cập nhật về lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. (DTKC sẽ cập nhật bảng này theo quy định của các Nghị định mới - xin xem dưới đây).
Nghị định 107/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam [File PDF]
Nghị định 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động [File PDF]
Phần diễn giải của hệ thống thang lương, bảng lương (Các quy định về tiền lương) cần gồm các phần chính sau, về cơ bản sẽ phải tuân theo chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp:
- Quy định về tiền lương (bao gồm nhưng không giới hạn Nguyên tắc xác định tiền lương, Bảng lương).
- Chế độ tiền lương (bao gồm nhưng không giới hạn Hình thức trả lương, Kết cấu tiền lương, thu nhập của Người lao động).
- Chế độ xét và nâng lương (bao gồm nhưng không giới hạn Các tiêu chuẩn và Điều kiện).
Bản quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh
DTK Consulting đã xây dựng biểu mẫu sau và chia sẻ cùng các đối tác hiện tại cũng như tiềm năng:
Bản mẫu về Quy định các điều kiện và tiêu chuẩn cho từng chức danh hoặc nhóm chức danh trong thang bảng lương [Download]
Về chi tiết, doanh nghiệp cần căn cứ vào sơ đồ tổ chức, hệ thống các bản mô tả chức danh, kế hoạch nhân sự trong tương lai, để xây dựng Quy định này.
Ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở
Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp cần tổ chức họp để tham gia ý kiến về hệ thống Thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Biên bản cuộc họp cần được đưa vào hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương. Trên tài liệu Hệ thống thang lương, bảng lương (phần số liệu), bên cạnh Người chuẩn bị và Người duyệt, cần dành chỗ cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở ký tên, đóng dấu làm bằng chứng.
Với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, cần liên hệ Công đoàn địa phương nơi đơn vị đặt trụ sở để xin hướng dẫn, xác nhận cần thiết.
Làm việc với cơ quan quản lý lao động địa phương (cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động):
Các nhân viên hay cán bộ phụ trách công việc này cần liên hệ cơ quan quản lý lao động địa phương để nắm lịch làm việc và các yêu cầu đặc thù của địa phương. Ví dụ: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 638/LĐTBXH-LĐ ngày 23 tháng 02 năm 2005 hướng dẫn xây dựng, đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần kiểm tra các văn bản cập nhật về chủ đề này.
******
DTK Consulting cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn hay hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Xin liên hệ info@dtkconsulting.com hoặc dtkconsulting@vnn.vn, ĐT: 04-3552 6211.
DTK Consulting, 22/6/2009