Bài viết này hướng tới chia sẻ và gợi ý cho các bạn thanh niên về cách thức xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp, phục vụ cho tìm việc, mở mang quan hệ mạng lưới và nắm bắt các cơ hội thăng tiến. Lưu ý, những lời khuyên này chỉ áp dụng cho bối cảnh khi các bạn tìm việc và có ý định phát triển sự nghiệp ở khối doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước, tức là ở nơi mà “thị trường lao động hoàn hảo hơn”, nơi người lao động được tuyển dụng trên cơ sở năng lực của bản thân, có sự cạnh tranh.
(PR là viết tắt của “public relations” – quan hệ công chúng).
Thị trường lao động ở Việt Nam bao gồm hai “đội quân”: các nhà tuyển dụng, đại diện cho các doanh nghiệp và tổ chức (mà bài viết này đề cập ở trên) và đội ngũ người tìm việc (NTV- job seekers). Lý do chính khiến mọi người “đi tìm việc” có thể là “chưa có việc làm (ổn định)”, hay “muốn tìm một công việc khác phù hợp hơn”.
Có nhiều cách để hai “đội quân” này tiếp cận được với nhau! Tuy nhiên, bài viết này muốn tập trung vào một cách thức, không có gì mới về nguyên tắc, song có thể còn là mới lạ với nhiều bạn trẻ. Đó là “PR cá nhân”. (PR là viết tắt của “public relations” – quan hệ công chúng).
Trên thị trường lao động, các nhà tuyển dụng thường phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực (thời gian – tức chi phí cơ hội, tiền bạc) để tìm các ứng viên phù hợp cho các vị trí đang cần bổ nhiệm. Nếu người đi tìm việc có một trang cá nhân riêng, thì sẽ dễ dàng được tiếp cận bởi các nhà tuyển dụng, hoặc dễ dàng chia sẻ đường link này trong hồ sơ tìm việc.
Một vài gợi ý về trang cá nhân dành cho mục đích nêu trên:
1. Nên dùng thể loại blog mà ai dùng Internet cũng có thể đọc, không cần đăng nhập như user (người sử dụng) của hệ thống blog đó. Ví dụ, tác giả bài viết này có một trang blog là https://dtkhang.wordpress.com.
2. Trang cá nhân phải được trình bày một cách chuyên nghiệp đối với các ảnh, bài viết, cách dùng từ…
3. Về nội dung: chủ của trang cá nhân nên dành một số bài viết về chuyên ngành của mình và lĩnh vực chuyên sâu mà bản thân muốn đầu tư thời gian làm việc, kiếm sống, phát triển sự nghiệp. Ví dụ, nếu tôi là kỹ sư chuyên ngành “Máy và thiết bị năng lượng nhiệt và hạt nhân” và muốn “PR bản thân” để tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, tôi sẽ dành thời gian viết nhiều bài về lĩnh vực hẹp này, để thể hiện kiến thức, quan điểm cá nhân và chia sẻ các lối tiếp cận của bản thân…
Trên đây chỉ là một số gợi ý ban đầu. Nếu các bạn thanh niên có nhu cầu tham vấn, trao đổi thêm, vui lòng điện thoại tới số 024-66739362 hoặc gửi email đến info@dtkconsulting.com, hay đặt câu hỏi trên fanpage http://www.facebook.com/pages/DTK-Consulting.
Chúc các bạn thành công!
Đào Trọng Khang
Giám đốc DTK Consulting
Cập nhật: 28/8/2017