|
|
Giám đốc DTK Consulting (thứ hai từ bên trái) tại cuộc họp cùng các đồng nghiệp làm công tác nhân sự tại các tổ chức phát triển. (Hà Nội, ngày 26/12/2008). Hoa quả do "chủ nhà thu xếp", song trong nhóm bao giờ cũng có người "báo cáo" bằng bánh ngọt! (Ảnh của một đồng nghiệp). |
|
Chắc cũng không cần phải giải thích nhiều về vấn đề này. Các cụ ta có câu "Buôn có bạn, bán có phường". Còn khi đọc giáo trình cao học về quản trị kinh doanh (khi ấy tôi theo học Trường Kinh doanh Edinburgh, UK), tôi rất tâm đắc với câu này: "Network is a strategic asset", tạm dịch "Mạng lưới là tài sản chiến lược". (Thực ra thì các cụ nhà ta đã đúc kết ra điều này từ xa xưa rồi, các điều kinh điển trong giáo trình ngày nay chỉ diễn đạt lại tư duy người xưa theo một cách khác thôi).
Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ từ việc tham gia sinh hoạt trong các hội, nhóm nghề nghiệp: Hiệp hội Nhân sự (Human Resources Association, còn gọi tắt là "HRA") và Nhóm làm việc về Nhân sự của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển (NGO HR Working Group). Hy vọng bài viết sẽ có tác động tích cực đến không chỉ các đồng nghiệp trẻ làm công tác quản trị nhân sự, mà cả các cá nhân làm các nghề khác. Ngày nay, có nhiều hình thức tham gia hội nhóm, trong đó có dạng on-line, tuy nhiên một hội nghề nghiệp chuyên môn (nhất là khi chủ đề thảo luận thường có các chi tiết nhạy cảm như lương, chế độ, chính sách nhân sự...) cần có nền móng vững chắc, người thực việc thực, sau đó các giao thức khác sẽ là công cụ đắc lực nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việc là thành viên trong một hội nghề nghiệp bao gồm các quyền lợi và trách nhiệm.
Về mặt lợi ích, khi tham gia HRA, tôi đã được các đồng nghiệp chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thực tiễn quý báu. Nguyên tắc quản trị nhân sự thì sách vở, bài bản có nhiều, tuy nhiên thực tiễn áp dụng thì mỗi nơi một vẻ, tuỳ theo điều kiện, bối cảnh, chính sách, văn hoá của công ty, tập đoàn...Khi tôi có nhu cầu, các đồng nghiệp đã chia sẻ các biểu mẫu, văn bản mẫu trong áp dụng hệ thống văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn... Điều này là vô cùng quý giá, khi bạn biết rằng để tiếp cận được một cán bộ của cơ quan hữu trách không phải là dễ, chưa nói gì đến việc xin một biểu mẫu gửi qua email. Công ty tôi thuê bao sử dụng Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam, tuy nhiên các văn bản có tính chất công văn thì "hằng hà sa số", tự tìm không phải lúc nào cũng ra. Do vậy, cách nhanh nhất là khi "bí " thì email hỏi các đồng nghiệp và sau chỉ mấy phút là đã có người trả lời, cùng các biểu mẫu, văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn mà mình cần tham khảo.
Để "nhận về" thì mình cũng phải "cho đi" và tôi cũng rất tich cực trong việc hỗ trợ các đồng nghiệp (như trong các việc nêu trên, song "đổi chiều"). Việc chia sẻ kinh nghiệm và những thực tiễn đã có tác dụng tích cực đến hiệu quả công việc của các hội viên.
|
Giám đốc DTK Consulting (thứ tư từ trái sang) và các thành viên Ban điều hành, Ban thư ký của HRA (tại cuộc họp ngày 10/10/2008). |
Việc sinh hoạt chuyên môn trong một hội nghề nghiệp cũng giúp tôi tăng thêm sự tự tin từ góc độ một cá nhân. (Điều này cũng phần nào tương tự như khi bạn đang khoác áo của một "đội bóng đá giải ngoại hạng"). Bởi các đồng nghiệp hội viên đều là các Giám đốc Nhân sự, Trưởng phòng Nhân sự... tại các công ty và tổ chức có tên tuổi hay đảm nhận những trọng trách lớn, tôi có dịp đánh giá lại mình, học tập những điểm mạnh của các đồng nghiệp. Khi gặp một đồng nghiệp rất là "siêu" trong một lĩnh vực nào đó, tôi thường nhủ mình phải cố gắng phấn đấu hơn nữa về kiến thức và kỹ năng, để không bị quá "lạc hậu" so với các trào lưu chủ đạo trong quản trị và cách thức làm việc (way of working). Đúng là "học thầy không tầy học bạn" - các cụ ta quả là chí lý!
Tuy không còn làm việc trong khối các tổ chức phát triển, song do tôi đã là một thành viên tích cực trong nhiều năm ở NGO HR/Admin Working Group, hiện tôi vẫn tham gia các cuộc họp định kỳ và chia sẻ kinh nghiệm cùng các đồng nghiệp làm công tác nhân sự tại khối này. Tôi đã đề xuất rằng nhóm này nên gia nhập HRA để "phát huy sức mạnh tổng hợp" (synergy) trong khai thác các nguồn lực thông tin, kinh nghiệm... Hiện nay gần 1/4 thành viên của nhóm này đã là hội viên của HRA. Tất nhiên ngay cả khi đã tham gia HRA, các hội viên trong cùng một ngành công nghiệp (industry) vẫn có thể cần những cuộc họp chuyên sâu, chia sẻ những vấn đề rất đặc thù của quản trị nhân sự trong ngành mình.
|
Các thành viên Hiệp hội Nhân sự trong buổi họp tất niên, chia tay năm 2006. Giám đốc DTK Consulting đứng thứ ba từ bên trái (Hà Nội, 19/01/2007) |
Tôi cho rằng khi HRA xúc tiến và hoàn tất việc đăng ký với cơ quan quản lý hữu trách, trở thành một hiệp hội chính thức của những người làm công tác quản trị nhân sự ở Việt Nam, từng hội viên sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, về mặt chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội hợp tác... Một hiệp hội chính thức cũng sẽ có vai trò hiệu quả hơn trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến lao động, như Bộ luật Lao động, các loại hình bảo hiểm thuộc Luật Bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân...., điều đó sẽ giúp các cán bộ làm công tác quản trị nhân sự thuận lợi hơn trong công việc hàng ngày.
HRA hiện đã có gần 60 hội viên. Sắp tới, khi HRA tập trung hơn vào hoạt động mạng lưới (networking), phát triển hội viên, tôi tin rằng HRA sẽ lớn mạnh hơn và là một tổ chức thích hợp để các cá nhân đang hoặc sẽ làm công tác quản trị nhân sự tại Việt Nam coi như một "mái nhà chung" cho phát triển sự nghiệp chuyên môn, giao lưu và hợp tác.
Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2009
Đào Trọng Khang, Giám đốc DTK Consulting
|
Một nhóm các thành viên của HRA tại cuộc họp dã ngoại (outing) tới Thác Đa, 23/6/2007. Giám đốc DTK Consulting là người thứ ba từ bên phải.
|
|
Mùa hè năm 2008, HRA tổ chức họp dã ngoại tới Asian Resort. Buổi sáng HRA đã có các hoạt động team building ngoài trời và buổỉ chiều họp trao đổi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện tại công ty. (Ảnh chụp sau các hoạt động team building, 26/7/2008. Giám đốc DTK Consulting đứng thứ ba từ bên phải). |
|