|
|
Chị Lê Hải Đường Corporate Manager, AusAID |
|
Chị Lê Hải Đường là Corporate Manager thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Australia (AusAID). Dưới đây là chia sẻ của Chị với bạn bè trên Blog về kinh nghiệm đi tìm việc. DTK Consulting đã xin phép chị Hải Đường để đăng bài này trên website. Chia sẻ của chị Hải Đường hoàn toàn khớp với thực tiễn mà DTK Consulting hàng ngày gặp với nhiều ứng viên. Hy vọng những chia sẻ của chị Hải Đường, dẫu có phần nghiêm khắc (“thuốc đắng mới dã được tật”), sẽ có ích với các bạn ứng viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm. "Thất bại là mẹ thành công"!
Nhân đây, xin các bạn ứng viên hãy ghi nhận lời khuyên (từ sách Modern English Correspondence, trích ý):” Hãy coi lá thư bày tỏ nguyện vọng – application letter - là một sản phẩm hoàn thiện nhất của cá nhân mình. Những ai không chuẩn bị thật tốt cho lá thư này (và hồ sơ) thì cũng không thể trông đợi họ sẽ làm tốt công việc được giao trong tương lai”.
Ai trong chúng ta dù đang giữ trọng trách gì, trong cuộc đời cũng phải trải qua những lần đi xin việc. Có người ít có người nhiều, nhưng không phải cứ đi xin việc nhiều mà có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, vì mình thấy nhiều người số lần đi xin việc gần hoặc bằng số tuổi của họ... nhưng họ vẫn thất bại. Tất nhiên cũng kể đến độ may rủi, nhưng nếu tỷ lệ thất bại nhiều thì lại là một vấn đề khác. Vậy họ có tự phân tích tại sao sau mỗi lần thất bại không nhỉ? Tất nhiên có một số trường hợp ngoại lệ như "internal promotion", có nghĩa là nhà tuyển dụng chỉ “làm trò” tuyển người, còn trên thực tế họ đã chọn người rồi. Cái này mình chúa ghét, vì nó giống trò lừa bịp và thiên vị (mình sẽ viết riêng một bài về nhà tuyển dụng trong một dịp khác và sẽ đề cập kỹ hơn vấn đề này).
Nhiều người khi đi xin việc, họ thường rất cẩu thả và thiếu nghiêm túc trong việc viết CV và thư xin việc. Có những người gửi CV và thư xin việc kèm theo một loạt bằng, chứng chỉ... đến các nhà tuyển dụng như “thả truyền đơn”. Có những người viết trong thư có vài dòng sơ sài, thiếu thông tin; có người tự khoe bản thân mình nhưng chẳng có lập luận gì chứng minh rằng họ như vậy; có người thì quá junior (ít kinh nghiệm) nhưng lại nộp vào vị trí senior (cao cấp); có người chuyên môn và kinh nghiệm chẳng liên quan cũng nộp (“tội” không đọc kỹ đầu bài).... Nói tóm lại là nhiều người không thể hiện được việc bản thân phù hợp với vị trí mà mình nộp hồ sơ. Những trường hợp như thế, dưới con mắt của nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, họ vừa không biết mình là ai và thiếu sự tôn trọng chính mình .....nên chỉ cần đọc lướt qua, những hồ sơ đó được cho vào "filing" ngay lập tức.
Còn đối với những trường hợp sau khi đã qua vòng chọn hồ sơ và được vào short-list, nhiều người lại mắc lỗi khi làm bài kiểm tra (nếu có) và đặc biệt khi phỏng vấn. Các bài kiểm tra và nội dung phỏng vấn thường xoay quanh những câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm, chuyên môn của vị trí mà họ nộp đơn vào. Thêm vào đó là các câu hỏi về xử lý và phân tích tình huống, độ tin cậy (accountability) và một vài kỹ năng mà vị trí đó đòi hỏi như giao tiếp, óc tổ chức, khả năng lập kế hoạch, làm việc theo nhóm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.... và đặc biệt về personality (tính cách) của ứng cử viên đó. Có những chỗ ứng cử viên được yêu cầu làm thêm các bài test về IQ/EQ và BULAT (Business Language Test). Thường thì các bài kiểm tra và cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng. Những người bị failed (thất bại) trong quá trình này có thể họ đã không chuẩn bị chu đáo nên không trả lời tốt các câu hỏi của nhà tuyển dụng đặt ra, hoặc trả lời vòng vo mà không đi vào câu hỏi, kỹ năng giao tiếp kém, tiếng Anh không tốt và personality có vấn đề như quá tự kiêu về bản thân - bệnh Mr/Ms. Perfect hoặc "over-qualified".
Đối với người được further short-listed (vào vòng trong - thường chỉ là 01 ứng viên) coi như cầm 90% chiến thắng, vì còn 10% nữa phụ thuộc vào checking references (kiểm tra với những người tham khảo). Nếu bị failed ở giai đoạn này, chắc chắn người đó có một big fraud/very bad reference (nghĩa là đã phạm vào một vụ tham ô, biển thủ nào đó trong quá khứ, hay có nhận xét không tích cực từ người tham khảo).
Ms. Le Hai Duong Corporate Manager Australian Agency for International Development (AusAID) Australian Embassy
|