Theo một khảo sát nhanh của tác giả bài viết, khi tiến hành hỏi 47 cán bộ nhân lực (người làm việc trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực – “HRM”) của các công ty về đánh giá của họ đối với sinh viên chuyên ngành Quản trị nhân lực/Kinh tế lao động nói riêng, kết quả nhận được thật bất ngờ. Có tới 74% cán bộ nhân lực được hỏi cho rằng sinh viên chuyên ngành này mặc dù có kiến thức chuyên ngành nhưng thiếu kiến thức thực tế, 15% cho rằng sinh viên Quản trị nhân lực/Kinh tế lao động không có cả kiến thức chuyên ngành và kiến thức thực tế, và 0% cho rằng sinh viên có cả hai yếu tố này.
Chúng ta đều biết, sinh viên là một lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trong thực tế tuyển dụng đối với một số nhóm công việc còn có nhiều thách thức, bởi vì các doanh nghiệp đòi hỏi các ứng viên phải có kinh nghiệm, trong khi những bài học “lý thuyết suông” trên ghế nhà trường không đem lại những kinh nghiệm mà công việc yêu cầu. Vậy, sinh viên đang đi học hay mới tốt nghiệp lấy kinh nghiệm từ đâu? Dưới đây là những chia sẻ của một số sinh viên - những con người đã và đang tự tìm hướng đi cho riêng mình để có thể thỏa mãn hai chữ “kinh nghiệm” mà các nhà tuyển dụng đặt ra.
Bạn Nguyễn Quí Quỳnh Mai, cựu sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện đang theo học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, trường Đại học Antwerp (Belgium – Vương quốc Bỉ) cho biết, khi còn là sinh viên, bạn thường tìm việc làm thêm qua Internet và những giới thiệu từ người quen cho biết. Mục đích đi làm thêm là ngoài yếu tố thu nhập, bạn còn muốn tích lũy kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ, trau dồi những kỹ năng không được học trên ghế nhà trường. “Mình làm thêm bất cứ lúc nào có thời gian, thường vào thời gian nghỉ học hoặc buổi tối để không ảnh hưởng đến việc học. Mình chọn làm những công việc như: làm cộng tác viên hay nhân viên tại các công ty kinh doanh, thương mại, sản xuất, tự mình kinh doanh.
|
Bạn Nguyễn Quí Quỳnh Mai |
Việc đi làm thêm giúp mình có thêm thu nhập để chi tiêu cá nhân, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, cũng như giúp mình giảm bớt khá lớn việc phụ thuộc vào gia đình. Bên cạnh đó, có những công việc đã giúp mình tăng khả năng ngoại ngữ, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc nhóm, hoặc mở rộng các mối quan hệ. Mình nghĩ, sau khi đi làm thêm, mình đã có thể định hướng tốt hơn về nghề nghiệp trong tương lai, cũng như có thêm kinh nghiệm khi đi phỏng vấn tìm việc sau này. Tuy nhiên, mình cũng gặp một số khó khăn khi đi làm thêm. Việc đi làm khiến mình không thể dành nhiều thời gian cho người thân, gia đình, bạn bè. Ngoài ra, đôi khi, những sai sót, yếu kém bộc lộ khi đi làm khiến mình hoài nghi về khả năng của bản thân.”
Bạn Nguyễn An Nết, sinh viên chuyên ngành Quản trị Nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tìm việc làm thêm từ rất nhiều nguồn như Internet, người quen giới thiệu, các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm, tờ rơi… Mục đích đi làm của bạn khá giống bạn Nguyễn Quí Quỳnh Mai và những công việc bạn làm cũng rất đa dạng. Nguyễn An Nết chia sẻ: “Thường những công việc mình làm có thu nhập không cao, tuy nhiên, mỗi công việc mình làm lại giúp mình có được những kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử cũng như giúp mình tìm kiếm và phát triển khả năng tiềm ẩn của bản thân. Công việc gia sư khiến mình nhận ra rằng, để truyền đạt cho người khác hiểu thì cần phải đứng trên góc độ kiến thức của họ. Khi làm “bồi bàn” ở một quán café nhỏ, mình đã học được cách tổ chức công việc trong kinh doanh, cách ứng dụng kiến thức đã học về marketing để kiểm nghiệm thực tế cũng như trau dồi khả năng giao tiếp của bản thân. Mình cũng từng làm cho một công ty kinh doanh thương mại điện tử, tuy nhiên, sau khi đi làm, mình nhận ra mình không phù hợp với công việc ấy.
|
Bạn Nguyễn An Nết |
Vừa đi học, vừa đi làm, mình nhận ra mọi thứ đạt được đều có sự đánh đổi, ví dụ như giữa kết quả thi cử và việc hoàn thành công việc. Thời gian làm thêm giúp mình hiểu được, những kiến thức trong sách vở cần thiết không kém kiến thức thực tế, và những mối quan hệ cũng thực sự quan trọng.” An Nết cũng cho biết thêm, những công việc bạn làm chưa giúp bạn có những kỹ năng trong công việc của một cán bộ nhân lực sau này, vì thế bạn đang cố gắng tích lũy những kỹ năng cần thiết nhất để khi ra trường có thể tự tin theo đuổi công việc mình yêu thích.
Bạn Đỗ Trọng Trung, hiện đang học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng của Học viện Ngân hàng cũng có những đánh giá riêng về công việc làm thêm của mình. Bạn đang làm tại phòng Nhân sự của Tập đoàn HiPT, thời gian gần như cố định vào tất cả các buổi chiều và một vài buổi sáng. Công việc này đem lại cho Trọng Trung khoản thu nhập ổn định hàng tháng, mặc dù làm giảm bớt thời gian học nhưng lại không ảnh hưởng quá lớn tới kết quả học tập của bạn. Theo Trọng Trung, làm thêm ở HiPT giúp bạn có kinh nghiệm làm việc trong một lĩnh vực mới, khác với chuyên ngành mình đang học ở trường Đại học. Bạn được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, có thêm các mối quan hệ có ích cho công việc sau này.
|
Bạn Đỗ Trọng Trung |
Ngày nay, sinh viên ngày càng chủ động hơn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp. Khi được hỏi về lý do khiến sinh viên tự tìm cho mình một công việc nào đó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các câu trả lời nhận được hầu hết đều có chung yếu tố kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo Khảo sát của một nhóm sinh viên về Thực trạng và giải pháp cho vấn đề làm thêm của sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, khi tiến hành hỏi 550 sinh viên trong trường về mức độ ủng hộ của gia đình đối với việc đi làm thêm, có đến trên 50% câu trả lời nhận được là: “Bố mẹ không đồng ý”, tỷ lệ sinh viên được gia đình ủng hộ tìm việc làm thêm chỉ chiếm từ 7-9%. Cũng theo khảo sát này, trên 90% sinh viên không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía nhà trường và các đoàn thể khác trong việc tìm kiếm việc làm.
Từ thực trạng trên, rõ ràng có một câu hỏi lớn cần được đặt ra. Đó là, doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm, vậy, gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội và ngay chính bản thân sinh viên cần phải làm gì để để sinh viên có được những kinh nghiệm hữu ích cho công việc sau khi tốt nghiệp?
Tác giả: Vũ Hồng Châu, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Cộng tác viên của DTK Consulting.
Trong bài viết có sử dụng một số kết quả khảo sát của tác giả. Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền đối với các số liệu trích dẫn.
Thay cho lời chốt: Với Tầm nhìn là đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập (tháng 12/2006), DTK Consulting đã tạo điều kiện cho một số sinh viên vào làm việc bán thời gian, làm thực tập viên, hay nhân viên ở các vị trí Trợ lý. Có sinh viên đã đảm trách được những mảng kinh doanh độc lập ở Công ty và sau khi tốt nghiệp đã được một công ty đa quốc gia tuyển làm Quản trị viên tập sự (MT – Management Trainee). Hiện DTK Consulting tiếp tục theo lối tiếp cận này, bao gồm cả truyền thông, quảng bá trong giới nhân sự và cộng đồng doanh nghiệp.
Xin cảm ơn tác giả bài viết và các “nhân vật chính” trong bài về sự hợp tác.
DTK Consulting, 05/8/2012