Tại các công ty và tổ chức (sau đây gọi chung là “Tổ chức”), luôn có những vấn đề quản trị nhân sự ở cấp độ điều hành (operational level) cần được giải quyết bằng các giải pháp ngắn hạn và trung hạn. Tùy quy mô tổ chức mà người đề xuất giải pháp sẽ là nhân viên Nhân sự, trưởng phòng, giám đốc Nhân sự, hay người đứng đầu.
Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, mọi vấn đề đều cần được giải quyết dựa trên quy chế quản trị nhân sự, các quy định của tổ chức, thường được xây dựng dưới dạng văn bản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt (như giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị). Hệ thống văn bản quản trị nhân sự nội bộ tổ chức thường bao gồm những quy định bắt buộc của pháp luật lao động và những nguyên tắc phổ biến trong quản trị nguồn nhân lực (HRM). Những chế độ, phúc lợi dành cho người lao động, nếu được tổ chức áp dụng ở mức “cao hơn luật”, sẽ được các tổ chức vận dụng khác nhau, thể hiện qua các con số khác nhau. Khi ấy, các tổ chức sẽ cần dựa trên các kết quả khảo sát, dù là khảo sát nhanh hay khảo sát quy mô rộng, để căn cứ vào “tình hình thị trường” mà đưa ra đề xuất, giải pháp phù hợp, cạnh tranh đối với tổ chức của mình. Một ví dụ là nếu một công ty chưa có chế độ trả tháng lương thứ 13, nhưng sau một cuộc khảo sát 10 doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa phương, thấy có 70% các doanh nghiệp “đối thủ” có trả tháng lương thứ 13, thì công ty này hẳn sẽ phải nghĩ đến việc điều chỉnh chính sách nhân sự của mình.
Tóm lại, sẽ có ba cấp độ (hay ba “tầng”, ba “góc độ”) được xem xét khi đề xuất và tìm giải pháp quản trị nhân sự:
- Cấp độ pháp luật lao động: bắt buộc phải áp dụng, tuân thủ. (Cấp độ 1: Bắt buộc).
- Cấp độ quản trị nhân sự: việc chọn và áp dụng các nguyên tắc, lối tiếp cận nào sẽ phụ thuộc vào người phụ trách nhân sự và lãnh đạo của tổ chức. (Cấp độ 2: Tùy chọn).
- Các thực tiễn tốt trên thị trường (good practices). (Cấp độ 3: Tham khảo).
Với người làm công việc Nhân sự tại một tổ chức, các bước giải quyết một vấn đề quản trị nhân sự cụ thể sẽ là:
-
Phân tích vấn đề (có thể là câu hỏi, yêu cầu, chỉ thị, nhiệm vụ cấp trên giao cho). Cần đánh giá xem đây là vấn đề gì: chính sách, chế độ, quy định, quy trình...
-
Tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động liên quan đến vấn đề này. (Cấp độ “Bắt buộc”).
-
Tham khảo các nguyên tắc trong quản trị nhân sự liên quan đến vấn đề cần giải quyết, đề xuất các hình thức áp dụng thích hợp với tổ chức của mình. (Cấp độ “Tùy chọn”).
-
Tiến hành khảo sát thị trường. Quy mô có thể nhỏ hay rộng, tùy nguồn lực. (Cấp độ “Tham khảo”).
-
Đề xuất hình thức áp dụng cho tổ chức mình. Có thể cần đề xuất một số phương án, với những ưu, nhược điểm khác nhau.
-
Trình lãnh đạo tổ chức phê duyệt. (Có thể một số chỉnh sửa cần được thực hiện trước đó).
-
Ban hành chính sách, quy định, quy trình mới trong toàn bộ tổ chức.
-
Đánh giá các tác động khi thực hiện giải pháp, hoàn thiện ở thời điểm thích hợp.
Bài viết kế tiếp sẽ đề cập đến cách thức giải quyết một vấn đề cụ thể.
Đào Trọng Khang
Chủ tịch, Giám đốc DTK Consulting
|