Là Chủ tịch kiêm Giám đốc một công ty tư vấn trong lĩnh vực quản trị nhân lực, anh Đào Trọng Khang luôn quan tâm đến các hoạt động mạng lưới, đặc biệt trong việc hỗ trợ các tổ chức và câu lạc bộ nhân sự của thanh niên, sinh viên, coi đây như một hoạt động mang tính chất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Cuối tháng 11 năm 2008, đúng 1 năm trước đây, anh Khang và một số đồng nghiệp trong HR Association (HRA-Hiệp hội Nhân sự) đã tham gia Hội chợ việc làm của Câu lạc bộ Nhân sự Đại học Ngoại thương (FTU HRC), giúp HRC trong việc phỏng vấn các ứng viên, chia sẻ các nhận xét chuyên môn, giúp các ứng viên và sinh viên tham dự rút ra các bài học bổ ích. Tháng 11/2009, Giám đốc DTK Consulting lại được HRC mời tham gia Ban Giám khảo của Chung kết “Ứng viên tài năng 2009”.
Tuy bận rộn với công việc kinh doanh và giảng dạy, trước đêm Chung kết, vào tối 19/10/2009, anh Đào Trọng Khang và 4 thành viên Ban Giám khảo khác đã đến với buổi tổng duyệt của HRC. Trong buổi tổng duyệt này, 6 thí sinh của đêm Chung kết đã có dịp tập dượt, “cọ sát”. Ở vòng hai và vòng ba, các (nhóm) thí sinh đã được Ban Giám khảo góp ý kiến đối với các câu trả lời của mình.
Ban Giám khảo đã có chưa đến 72 giờ để cùng nhau hoàn tất bộ đề cho đêm chung kết. Có thể nói, tình cảm với thế hệ trẻ đã rất tự nhiên gắn bó các thành viên với nhau để cùng thiết kế các câu hỏi và tình huống phù hợp nhất, vừa sức với trình độ của các sinh viên năm thứ ba, thứ tư song cũng xen những chi tiết khá “hóc búa”, cho phép phân loại thí sinh về phạm vi, mức độ hiểu biết, trong một loạt các lĩnh vực kinh tế, hội nhập, địa lý, địa chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật v.v
Đêm chung kết của cuộc thi “Ứng viên tài năng 2009” đã được tổ chức tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội tối 22/11/2009. Cựu sinh viên Lưu Hồng Anh của ĐH Hà Nội đã trở thành ứng viên tài năng xuất sắc nhất 2009. Các phóng viên của nhiều đơn vị truyền thông có tên tuổi đã đến dự.
Sau đây là một số bài do báo chí đưa tin ngay sau đêm chung kết.
* Ứng viên tài năng 2009 thi nhau 'giải cứu' Hà Dũng (VietnamNet)
* Chung kết “Ứng viên tài năng 2009”: Lưu Hồng Anh tỏa sáng (Diễn đàn Doanh nghiệp)
* Bài liên quan:
Cuộc thi “Ứng viên tài năng 2009” (Hà Nội Mới, 19/9/2009)
Là một nhà tư vấn về quản trị nhân lực, Giám đốc DTK Consulting nhận thấy cuộc thi “Ứng viên tài năng 2009” thực sự hữu ích không chỉ đối với khối sinh viên ngành kinh tế mà cả với sinh viên các ngành khác như kỹ thuật, nhân văn v.v. Sau đây là một vài ý nhận xét ngắn.
Sau khi Việt Nam ta đã gia nhập WTO, trong hai năm 2008 và 2009 tuy nền kinh tế có bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, song các nhà tuyển dụng ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh, luôn có những yêu cầu cao đối với năng lực của các ứng viên. Để lọt qua được vòng sơ tuyển (shortlist), các ứng viên phải có bộ hồ sơ (applicaton pack) thật “bắt mắt”: không chỉ là dạng thức của bản CV (Curricula Vitae) và độ dài, mà bản CV cần thực sự “có hồn”, được “thổi” vào bởi chủ nhân của nó. Xem qua CV của 6 thí sinh đêm Chung kết, có thể thấy các bạn đã được hướng dẫn rất bài bản để chuẩn bị cho mình một “tấm vé vào cửa” cho các đợt thi tuyển thực sự sau này.
Lọt qua vòng sơ tuyển mới chỉ mang lại “xác suất chiến thắng” là 16-20% (nếu tính rằng với mỗi vị trí tuyển dụng, các doanh nghiệp sẽ sơ tuyển 5-6 ứng viên để mời tới phỏng vấn). Do vậy, ngoài kiến thức cơ bản, các năng lực gốc, ứng viên cần có các kỹ năng mềm để vượt qua các vòng phỏng vấn, các hình thức đóng vai (role play), mô phỏng (simulation), làm việc nhóm (team work)... Tùy theo các vị trí tuyển dụng, ngành nghề và cấp bậc mà các hình thức đánh giá kỹ năng mềm khác nhau sẽ được áp dụng. Ví dụ, trong một cuộc làm việc nhóm có tính mô phỏng (simulation), không phải ứng viên nào nói nhiều nhất sẽ được điểm cao, mà là ứng viên biết lắng nghe các thành viên khác, biết đưa ra các đề xuất hợp lý, tỏ ra có năng lực lãnh đạo, điều phối, có phương pháp làm việc phù hợp với bối cảnh… Các tình huống diễn ra ở đêm Chung kết “Ứng viên tài năng 2009” đã phần nào thể hiện các góc độ của các cuộc thi tuyển trong thực tế. Ra về muộn sau 23h, song các khán giả trẻ tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội tối 22/11/2009, đại đa số là sinh viên, hẳn đã có một buổi tối rất hữu ích và chắc chắn rằng các bạn sẽ sớm có cơ hội áp dụng vào thực tế.
Theo Giám đốc DTK Consulting, các trường đại học, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nên kết hợp cùng với các doanh nghiệp để tổ chức cho sinh viên các năm cuối những lớp học về hoàn thiện hồ sơ tìm việc, luyện tập kỹ năng trả lời phỏng vấn, để nâng cao khả năng thành công khi đi tìm việc. Các bạn sinh viên cũng nên theo dõi tiến độ của Chương trình “1000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua E-learning”, được tổ chức bởi Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Cổng tri thức Thánh Gióng và Chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA. Thông qua chương trình này, sinh viên có thể học được các kỹ năng trả lời phỏng vấn để thành công. Trong các cuộc “đua nước rút”, các ứng viên có kỹ năng sẽ nắm chắc hơn phần thắng! Các trường đại học, cao đẳng và cả trung cấp ở các khối khác nên học tập mô hình cuộc thi Ứng viên tài năng này ở khối các trường kinh tế. Sinh viên các trường nên chủ động học tập mô hình Câu lạc bộ Nguồn nhân lực của Đại học Ngoại thương!
Chung kết "Ứng viên tài năng 2009" - Bản lĩnh và toả sáng
DTK Consulting, 04/12/2009
|